0974 069 899

Tại sao người lớn thường đánh mất khả năng sáng tạo của mình?

Albert Einstein từng nói rằng: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn sự hiểu biết.” Kiến thức, kinh nghiệm nhiều khi là kẻ thù của sáng tạo bởi một khi não bộ tìm ra đáp án mà nó cho là đúng, nó sẽ dừng công việc tìm kiếm lại.“

**Bài kiểm tra năng lực sáng tạo của George Land **

Vào năm 1965, nhà khoa học George Land đã thành lập một viện nghiên cứu để phân tích, khám phá về khả năng sáng tạo của con người. Nhóm của ông sau đó được NASA tiếp cận và hợp tác để phát triển một thử nghiệm cho phép cơ quan này xác định được những cá nhân sáng tạo bậc nhất lúc bấy giờ.

Với một tổ chức chuyên làm những điều “không tưởng” như NASA thì việc tìm ra những bộ óc xuất chúng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu đó, George Land và nhóm nghiên cứu đã phát triển một bài kiểm tra nhằm đánh giá khả năng sáng tạo của một cá nhân trong việc nhìn nhận và đưa ra cách giải quyết vấn đề. Thử nghiệm này đạt thành công ngoài sức mong đợi và NASA đã tìm ra được những cá nhân nổi bật trong nhóm của họ.

Tiếp nối thành công của thử nghiệm, George Land và nhóm của ông nảy ra ý tưởng sẽ tiến hành phương pháp nghiên cứu thú vị này đối với trẻ em. Vào năm 1968, nhóm của George Land đưa bài kiểm tra sáng tạo tương tự với thử nghiệm của NASA cho 1.600 trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 5. Kết quả thu được thực sự bất ngờ khi 98% nhóm trẻ tham gia cuộc thử nghiệm có năng lực sáng tạo ở mức cực kỳ cao.

Dựa trên những gì thu được, George Land và các cộng sự quyết định sẽ tái kiểm tra nhóm trẻ này sau mỗi 5 năm. Bước sang 10 tuổi, số trẻ đạt mức độ sáng tạo cao giảm dần từ 98% xuống còn 30%. Năm năm sau, khi nhóm trẻ thử nghiệm ở độ tuổi 15, chỉ 12% trong số 1.600 đứa bé có khả năng sáng tạo ở mức cao. Bên cạnh đó, George Land và nhóm nghiên cứu cũng đưa bài kiểm tra tương tự cho một nhóm khoảng 280.000 người trưởng thành ở lứa tuổi trên 25 và kết quả là chỉ 2% trong số này đạt điểm cao về mức độ sáng tạo.

Từ kết quả cuộc thử nghiệm, nhóm của George Land đi đến kết luận rằng: “Những hành vi thiếu sáng tạo là thứ chúng ta được dạy dỗ.” Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm cũng chỉ ra một điểm mấu chốt đó là khả năng sáng tạo không phải là thứ truyền dạy mà có được.

Sáng tạo không phải là thứ có thể dạy được

Tại sao trẻ em lại là nhóm có mức độ sáng tạo cao nhất (với số lượng gần như tuyệt đối) trong bài kiểm tra của George Land?

Để trả lời cho câu hỏi này, hãy thử nhắm mắt và hồi tưởng lại thời ấu thơ của mỗi chúng ta. Vào một ngày nọ khi bạn còn nhỏ, bạn bắt gặp một đứa trẻ đang ngồi chơi ở bãi cát sau nhà. Trong con mắt của người lớn thì khung cảnh này chỉ đơn thuần là một trò trẻ con nghịch ngợm. Ấy vậy mà với những đứa bé, bãi cát tưởng chừng như vô tri vô giác đó lại là cả một thế giới sống động, đầy mê hoặc.

Những đụn cát mấp mô hệt như vô số dãy núi trùng điệp, đám cỏ dại mọc xung quanh trở thành cánh rừng già huyền bí. Thậm chí, những hòn sỏi thô mộc đủ màu sắc cũng có thể biến thành đám thú dữ hung hăng, đang muốn bảo vệ lãnh thổ của mình. Trong đôi mắt trẻ thơ, mọi thứ đều có thể xảy ra và những gì đơn giản nhất lại đong đầy biết bao ý nghĩa. Đặc biệt hơn là mỗi ngày trôi qua, bãi cát đối với đứa trẻ sẽ là một thế giới hoàn toàn khác biệt, không ngày nào giống ngày nào cả.

Lý do trẻ em có khả năng sáng tạo dồi dào là bởi chúng luôn nhìn thế giới xung quanh bằng đôi mắt trong trẻo. Mọi thông tin, dữ liệu và các chi tiết nhỏ của cuộc sống hàng ngày đều được lũ trẻ góp nhặt lại từng chút một, để rồi sau đó kết nối tất cả lại với nhau.

Đối với chúng, mọi thứ diễn ra tựa như những trải nghiệm mới mẻ. Từng sự vật, sự việc đều gắn liền với những ý nghĩa khác nhau và tất cả mọi thứ đều có thể biến thành sự thực. Đây cũng được coi là mầm mống của sự sáng tạo – chính là việc thu thập, kết nối những ý tưởng, trải nghiệm trước đó của bản thân để tạo ra những điều mới mẻ và ý nghĩa hơn.

Tại sao người lớn thường đánh mất khả năng sáng tạo của mình?

Vậy điều gì đã xảy ra giữa quãng thời gian ấu thơ và tuổi trưởng thành khiến phần lớn chúng ta mất dần đi khả năng sáng tạo?

Có một sự thật đó là sức sáng tạo của con người đang dần bị chôn vùi bởi các quy định và luật lệ. Từ thời kỳ cách mạng công nghiệp bắt đầu khoảng vài trăm năm trước, hệ thống giáo dục của chúng ta đã được thiết kế để tôi luyện ra những lao động giỏi và biết nghe lời.

Trong những năm học đầu đời, mỗi đứa trẻ trong chúng ta sẽ được dạy bảo cho thứ gì là đúng, thứ gì là sai, và những câu trả lời sai thường sẽ không được đón nhận. Không chỉ vậy, nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục là cung cấp kiến thức, những điều đã được chứng minh, thay vì tích lũy thêm trải nghiệm mới.

Khi lớn lên một chút, bạn bắt đầu gặp gỡ và quen biết với nhiều người hơn. Bạn học được rằng xã hội mà mình đang sống có những quy tắc nhất định cần tuân theo. Nếu làm trái, chúng ta sẽ cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ hoặc thậm chí là bị tẩy chay.

Đến lúc gia nhập thị trường lao động, bạn học được rằng bản thân chỉ được trả tiền khi thực hiện các nhiệm vụ nhất định. Một khi phá luật hay đi chệch hướng mong đợi đề ra, kế sinh nhai của bạn sẽ bị đe dọa. Cũng vì lẽ đó mà chúng ta dần trở nên sợ hãi những rủi ro hay thách thức đặt ra trước mắt. Dường như trong thế giới của người lớn, những trải nghiệm sáng tạo như hồi còn thơ bé không mang lại quá nhiều giá trị ở thực tại nữa.

Não bộ con người thường có xu hướng chọn lựa những hoạt động mang lại lợi ích cho bản thân. Điều này lặp đi lặp lại gần như vô điều kiện mà chủ nhân của nó không hề mảy may để ý đến. Khi con người già đi, thay vì thu thập ý tưởng, chúng ta lại chọn cách loại bỏ dần thông tin. Những thứ như sự tò mò, quan tâm, tập trung… của con người ngày càng bị thu hẹp và triệt tiêu dần theo thời gian.

Khi không còn trải nghiệm hay tự đặt câu hỏi, chúng ta sẽ dần đánh mất đi khả năng sáng tạo của bản thân. Albert Einstein từng nói rằng: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn sự hiểu biết.” Kiến thức, kinh nghiệm nhiều khi là kẻ thù của sáng tạo bởi một khi não bộ tìm ra đáp án mà nó cho là đúng, nó sẽ dừng công việc tìm kiếm lại.

Bạn muốn sáng tạo nhưng lại đi áp dụng những giải pháp có hiệu quả trong quá khứ? Điều này chắc hẳn khó lòng xảy ra. Bởi thứ duy nhất mà chúng ta nên làm đó là rèn luyện cho bộ não khả năng tìm kiếm và tự đặt câu hỏi, ngay cả khi đã nắm trong tay câu trả lời. Chỉ khi bạn còn học hỏi, tự vấn và tích lũy thật nhiều trải nghiệm thì khả năng sáng tạo mới có thể duy trì và phát triển được.

Biên tập: Đông Đông

Minh họa: Junee