By Bự
The Art, Design & Creativity Network
Sau 03 năm làm công việc chia sẻ kiến thức về art direction, mình tự thấy bài viết cũ đã không còn hữu ích nữa, nên quyết định tổng hợp và biên lại một bài mới, chia sẻ lại cho mọi người. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho các bạn, cả người đã đọc bài cũ lần các bạn lần đầu biết đến khái niệm này.
Art Direction 101 — Cái Danh Art Director cho ai, và để làm gì?
Chúng ta hãy bắt đầu với một câu hỏi hấp dẫn: Mức lương của một Art Director, loại có năng lực thực thụ, là bao nhiêu?
Tại Việt Nam, một Art Director mid-weight đến senior level tại các global agencies, với năng lực tương ứng với title, có thể đòi hỏi $1800 ~ $2500/tháng, lên đến $7000+ khi vươn ra Đông Nam Á (như trong ví dụ là Singapore), và $10k+ ở các môi trường cạnh tranh cao hơn (như trong ví dụ là New York). Xin phép không đề cập đến lương của Jr.AD vì nó gần như là giai đoạn học việc của lĩnh vực này, mức lương vì thế cũng mang tính thể nghiệm hơn.
Tất nhiên, sẽ là rất ngây thơ, khi tin rằng con số này là khả thi với một lộ trình học tập và làm việc vài tháng ngắn ngủi, thậm chí là 01~02 năm. Vì vậy, những điều được viết ra sau đây hy vọng sẽ cho bạn một hình dung thực tế và trọn vẹn hơn về kì vọng, cũng như các kĩ năng mà một AD có năng lực thực thụ cần sở hữu:
01 — ART DIRECTION LÀ GÌ?
Art direction là bộ gồm các tư duy & kĩ năng sáng tạo hình ảnh, phục vụ cho 02 nhiệm vụ chính:
-
Xây dựng thông điệp chính đáng & có chủ đích.
-
Định hướng ngôn ngữ hình ảnh xoay quanh thông điệp đó.
Vì sao người ta trả lương cao cho các kĩ năng này?
Art direction cực kì quan trọng với mọi dự án thuộc lĩnh vực sáng tạo, chúng ta có thể hoài nghi với cái mình nghe, nhưng rất dễ tin những gì mình thấy bằng mắt. Một thiết kế với art direction chính đáng & có chủ đích sẽ nâng tầm giá trị của thiết kế đó lên rất nhiều lần. Art direction không chỉ là kim chỉ nam về mặt thẩm mỹ thị giác cho mọi dự án, mà còn là cách để hình ảnh đó kể câu chuyện cần kể, nhằm truyền tải thông điệp mà bạn được khách hàng uỷ thác để truyền tải.
02 — ART DIRECTOR LÀ AI?
Mặc dù bất kì ai làm sáng tạo hình ảnh cũng có thể hưởng lợi & phát triển trong công việc nhờ bộ kĩ năng art direction, không phải ai cũng có thể làm Art Director. Con đường này đòi hỏi ở bạn rất nhiều, nhất là sự nghiêm túc và kiên trì trong tác phong của bạn. Đồng thời, sự cởi mở nơi bạn là cái quyết định thành bại, nhất là cởi mở để dám thử & dám sai.
Việc thử sai rất quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực này, vì trong sai lầm tràn đầy các kinh nghiệm cho tương lai & hạt giống của những ý tưởng mới, trong hành động dám sai, là lòng dũng cảm để bước ra ngoài vùng an toàn của mình. Đây luôn là các tài sản quý báu nhất của không chỉ Art Director, mà là của tất cả con dân Ngành Sáng Tạo.
Túm lại, việc một người dám thử sai (mà không gây hậu quả quá lớn) cho thấy đó là một người giỏi, hoặc có thể giỏi, vì chỉ có người giỏi mới dám sai & chỉ có người dám sai mới có thể giỏi.
Và cá nhân đầy tiềm năng đó, nếu muốn, sẽ có cơ hội tốt hơn hẳn, để trở thành Art Director & xa hơn thế.
03 — NHỮNG KĨ NĂNG NÀO ĐỊNH HÌNH MỘT ART DIRECTOR?
Khi tuyển dụng, hoặc cân nhắc để một creative trở thành art director, thì ngoài chuyện dám thử sai, còn có một tiêu chí tổng quát để xét duyệt là:
“Cá nhân đó có biết, và làm đúng, trước khi làm đẹp hay không?”
Phân tách tiêu chí trên ra, chúng ta có các kĩ năng sau:
A. LÀM ĐÚNG:
-
Responsibility: Người đó có kỷ luật không? (Kỷ luật: khả năng làm việc cần làm, vào lúc không muốn). Người đó bảo toàn trách nhiệm đến cùng, hay bỏ chạy khi việc khó?
-
Team player: Người đó có làm việc vì lợi ích và mục tiêu chung được không?
-
Active: Người đó chủ động giải quyết vấn đề hay để nước tới chân mới nhảy?
-
Communication: Khả năng ngôn ngữ của người đó thế nào? Nói chuyện có mạch lạc, dễ hiểu hay không?
-
Ideas: Người đó có phân biệt được ideas với executions hay không? Và có thể tạo ra ideas hữu dụng được không?
-
Presentation: Sau khi làm ra ideas, thì có bán được nó cho nội bộ, và khách hàng không?
B. LÀM ĐẸP:
-
Execution: Bán ideas được rồi, thì có hiện thực hóa được nó hay không? Trong trường hợp phương án triển khai phức tạp, liệu người đó có làm việc được với nhiều bên để hiện thực hóa đc phương án đã đưa ra hay không?
-
Detail: Liệu người này có nhận thức được, việc chăm chút các chi tiết, đặc biệt là các chi tiết nhỏ nhất, là rất quan trọng không?
-
Art sense: Kiến thức thẩm mỹ của người này có tốt không? Và liệu họ có thể dùng thẩm mỹ của mình để giải quyết vấn đề cho khách hàng không?
04 — Lộ Trình phát triển của một Art Director trông ra sao?
Như bạn thấy đó, gu thẩm mỹ, cũng như các kĩ năng chính mà bạn đã có (như thiết kế, vẽ minh họa, dựng 3d…) dù vẫn rất quan trọng, nhưng không còn là ưu tiên hàng đầu nữa.
Thay vào đó, bạn sẽ cần làm quen với các kĩ năng “thiết kế” khác, trừu tượng hơn, bắt đầu với việc “thiết kế” lại tư duy và lựa chọn thẩm mỹ của mình, để chúng phục vụ bạn một cách có chủ đích hơn, thông qua nghiên cứu, phân tích, xây dựng thông điệp & ý tưởng.
Để mọi thứ đơn giản & dễ hiểu, hãy tạm chia con đường này thành 02 đoạn: Nền Tảng & Nâng Cao.
Nhanh chậm ở mỗi giai đoạn là tuỳ người, nhưng thường được tính bằng năm.
A. ART DIRECTION NỀN TẢNG:
Lộ Trình phát triển của một Art Director không phải là một chuyến đi từ thấp lên cao, nó là hành trình đi từ trong ra ngoài. Bắt đầu với việc nghiêm túc nhìn nhận và thực sự thấu hiểu bản thân.
Sẽ rất khó để có thể đưa ra một định hướng hiệu quả, có thể hiểu nhanh & thực thi chính xác, nếu bạn không có một hình dung cụ thể. Và sẽ càng khó hơn để bạn có thể thuyết phục khách hàng tin vào ideas bạn có, nếu bạn không biết bạn đang muốn nói gì. Đó là lý do mà việc hiểu bản thân đặc biệt quan trọng. Mọi hành động, không chỉ riêng việc sáng tạo, đều là kết quả của suy nghĩ. Bạn biết mình muốn gì, nghĩ gì, thì bạn mới chủ đích tạo ra một hành động, hay idea chính đáng để đáp ứng các mong muốn và nhu cầu đó được, trước hết là cho bạn, sau này sẽ là cho các bên thứ ba. Và vì vậy, ở thời gian đầu của giai đoạn Nền Tảng, bạn sẽ tập trung vào việc giúp bản thân hiểu và áp dụng art direction cho & lên chính mình.
Khi lắng nghe & thấu hiểu bản thân một cách chân thành, thậm chí trần trụi, bạn cũng đồng thời tự cung cấp cho bản thân rất nhiều insights về nhu cầu của con người (chúng ta không khác nhau đến vậy đâu, và bạn sẽ ngạc nhiên về vốn insights có sẵn trong bản thân mình đấy!)
Insights là nền tảng của mọi ideas tốt. Tất nhiên, để trở thành Art Director chỉ với việc hiểu bản thân là không đủ, bạn sẽ phải biết cách biến insights thành các ý tưởng hữu dụng nữa. Bên các tiêu chí LÀM ĐÚNG > LÀM ĐẸP mà bạn phải bổ sung và hoàn thiện, rất nhiều kĩ năng khác sẽ cần được bạn nghiêm túc học hỏi & làm quen, có thể kể nhanh ra như:
-
Kĩ năng viết (AD viết nhiều hơn bạn nghĩ đấy).
-
Kĩ năng quản lý kì vọng của bản thân.
-
Kĩ năng hiểu & phân biệt art với design.
-
Kĩ năng đọc hiểu & phân tích brief.
-
Kĩ năng biến insight thành ideas & tự đánh giá ideas đó.
Để dễ cho bạn hình dung, mức thời gian cần đầu tư cho giai đoạn này là 01~05 năm, bao gồm cả giai đoạn thử sức với vị trí Jr.AD.
B. ART DIRECTION NÂNG CAO
Giai đoạn Nâng Cao tập trung vào khía cạnh quản lý của art direction. Lạ lùng thay, giai đoạn này sẽ quen thuộc hơn với bạn, có lẽ vì bạn đã từng thấy hoặc nghe đến qua những giới thiệu và hứa hẹn kiểu như “trở thành Art Director lương khủng chỉ sau 01 tuần” từ các trung tâm ngắn hạn, ngay từ những ngày học đầu tiên.
Việc làm này thật sự rất nguy hiểm cho người học, vì nó gieo vào họ một kì vọng quá xa vời. Nếu tin vào kì vọng đó, người học sẽ tập trung tin vào môt ảo tưởng rằng họ sẽ sớm gặt hái được kết quả của một quá trình dài hạn, và khi thất bại, người học sẽ tự đổ lỗi cho bản thân mình và rất dễ mắc kẹt tại đó.
Hãy tự hỏi bản thân, nếu thật sự có cách dễ, nhanh mà hiệu quả, tại sao tới giờ nó vẫn chưa phổ biến?
Nếu bạn thật sự tin mình là số ít “phát hiện ra bí thuật” chưa ai biết, trong thời đại internet cáp quang này, Bự thật sự thấy lo cho bạn.
Một khi đã hiểu rõ bản thân là ai, có gì & muốn gì, kết hợp với các kiến thức và kĩ năng Nền Tảng, bạn sẽ bắt đầu phát triển các kĩ năng cao hơn về giao tiếp & quản lý thời gian, dự án… tất cả các kiến thức đó, khi tập hợp lại, sẽ cho phép bạn có thể áp dụng art direction nhằm định hướng & truyền cảm hứng cho các bên thứ ba.
Một số kĩ năng quan trọng ở giai đoạn này là:
-
Quản lý thời gian & tiến độ.
-
Quản lý kì vọng của bản thân.
-
Chức năng & nghĩa vụ của các vị trí trong công việc của các bên thứ ba.
-
Quy trình làm việc của các bên thứ ba.
-
Đàm phán & giao tiếp.
-
Đánh giá chất lượng của các bên thứ ba.
Kết
Mặc dù Art direction là rất nhiều thứ với rất nhiều người, các tiêu chí và kĩ năng nền tảng trên sẽ rất khi thay đổi. Bạn sẽ phải thực sự nghiêm túc để học các kĩ năng & cởi mở với nhiều hướng tư duy mới, bỏ học những tư duy & kĩ năng không còn giúp được cho bạn, và rồi học lại chuyên sâu hơn các kĩ năng quan trọng định hình phong cách làm art direction của bạn.
Hãy nghĩ về Art direction như một bộ dao và bạn là đầu bếp, việc của bạn là, với các nguyên liệu và công cụ trong bếp bạn có, nấu ra các ideas không chỉ thoả vị của khách hàng, mà còn làm họ tấm tắc. Bạn sẽ cần rất nhiều thời gian thử sai để biết dao nào cắt cái gì, loại dao nào hỗ trợ tốt cho cách nấu của mình hơn. Như bao sự phát triển khác, Quá trình này chỉ có điểm bắt đầu, là khi bạn nghiêm túc nghĩ về sự phát triển của mình, rồi quyết tâm hiện thức hoá nó. Và quá trình này sẽ không bao giờ có điểm dừng một khi bạn còn muốn giỏi hơn.
Hy vọng các chia sẻ này sẽ giúp ích & chúc bạn làm được điều mình muốn!