Tác giả: Hoàng Nguyễn
Sáng tạo là gì?
Nếu bạn search Google cho câu hỏi này, bạn sẽ tìm được vô vàn câu trả lời khác nhau về sáng tạo. Chẳn hạn như:
* Sáng tạo là tạo ra một điều gì đó mới
* Sáng tạo là kết nối nhiều thứ lại với nhau
* Sáng tạo là nghĩ ra 1 ý tưởng hoặc sản phẩm mới
Cá nhân tôi lại khá thích định nghĩa dưới đây:
“Sáng tạo là một hành động biến những ý tưởng mới và hữu ích trở thành hiện thực. Sáng tạo bao gồm 2 quá trình: suy nghĩ rồi thực hiện”
Tôi thích định nghĩa này vì nó nói lên được việc nếu bạn có một ý tưởng táo bạo, nhưng lại không có đủ năng lực để thực hiện thì đấy sẽ là một sự đáng tiếc cho chính ý tưởng đó.
“If you have ideas but don’t act on them, you are imaginative but not creative” — Linda Naiman
Như vậy, sáng tạo không chỉ xoay quanh việc nghĩ ra ý tưởng mà nó còn là việc chúng ta sẽ làm gì để biến nó thành hiện thực. Nhớ lại khoảng hơn 6 năm về trước, trong lớp học về ý tưởng ở ADC ACADEMY được dẫn dắt bởi thầy Trãi tôi đã được nghe về các cấp độ khác nhau của sáng tạo:
– Cấp 1: Copy
Việc chúng ta vẽ lại một bức tranh, chép lại một giao diện của designer khác cũng là một cách để sáng tạo. Tuy nhiên, đây là sáng tạo ở cấp độ thấp nhất chỉ để cho mục đích tập luyện. Chúng ta không nên dùng kết quả ở cấp độ này để kiếm tiền, hay tự nhận phần ý tưởng là của mình.
– Cấp 2: Copy + Modify
Lúc bây giờ, công việc chúng ta làm không đơn thuần là sao chép hoàn toàn mà còn chỉnh sửa lại nó để phù hợp với ngữ cảnh sử dụng. Bắt đầu đưa những suy nghĩ bản thân vào đó để biến nó thành của mình. Ở cấp độ này, đã có thể kiếm tiền từ việc sáng tạo.
– Cấp 3: Copy + Modify + Improvement
Đây chính là lúc designer trưởng thành trong sự nghiệp. Mọi sản phẩm đều phải được đặt trong ngữ cảnh mà nó được ứng dụng, designer còn phải tìm cách để cải tiến những ý tưởng đó trở nên tốt hơn. Chẳn hạn như nhiều người vẽ hoa hướng dương bằng màu nước, thì bông hoa của bạn có thêm đôi cánh và được vẽ từ mực có hương thơm nhè nhẹ.
Đạt được cấp độ này, bạn đã có thể được gọi là Senior Designer
– Cấp 4: Trending Maker
Ở cấp độ này, kỹ năng của bạn phải lên mức thượng thừa, mỗi ý tưởng đưa vào tay bạn đều được thực hiện một cách độc đáo, có yếu tố cá nhân cao. Và đặc biệt nó đẹp dưới hầu hết cái nhìn của người khác, khi đó sản phẩm của bạn đã tạo ra một “Trend” mới để những designer khác được truyền cảm hứng, hoặc được khách hàng yêu cầu làm sản phẩm của họ theo đó. Rất ít người có thể đạt được cấp độ này, thường là những người sinh ra có khả năng trời phú và nghiêm túc mài dũa kỹ năng qua năm tháng.
– Cấp 5: System Maker:
Đây là cấp độ “thần thánh”, những người ở cấp độ này là những người tiên phong tạo ra những “giới hạn sáng tạo” và “phong cách định hình” là nền tảng cho sự sáng tạo của người khác. Trong hội hoạ ta có những trường phái nghệ thuật: ấn tượng, dã thú, lập thể, siêu thực,… trong công nghệ ta có “Human Interface Design — iOs” hay “Google Material Design — Android”. Product Designer dù có theo style nào thì ít nhiều vẫn phải tuân thủ theo các quy tắc của 2 nền tảng ứng dụng này. Tiêu biểu ta có huyền thoại Steve Jobs.
Tôi đã có chỉnh sửa lại một chút mấy khái niệm này cho dễ hiểu hơn, và rất vui nếu được các bạn đóng góp suy nghĩ cho nó. Hy vọng việc hiểu được các cấp độ sáng tạo sẽ giúp các bạn có định hướng rèn luyện và nhận định được chất lượng sáng tạo của bản thân.